Trang

Thứ Tư, 25 tháng 12, 2013

Quần thể kiến trúc Mahabalipuram

Quần thể kiến trúc Mahabalipuram, Ấn Độ

Quần thể kiến trúc Mahabalipuram gồm nhiều công trình kiến trúc khác nhau được xây dựng dưới triều đại vua Pallava trong thời gian từu thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ thứ 8. Quần thể kiến trúc Mahabalipuram chạy dọc theo bờ biển Coromandel với những công trình chính gồm: đền Rathas; khu bảo tồn hang động Madapas; bức phù điêu khổng lồ; đền thờ của Rivage; ngoài ra còn có hàng ngàn tác phẩm điêu khắc khác.

Quần thể kiến trúc Mahabalipuram là một đại diện quan trong và là minh chứng cho thời kỳ thịnh vượng của triều đại Pallava – một vương triều nằm ở phía Đông Nam của Ấn Độ. Trước đây, Mahabalipuram là một bến cảnh của Ấn Độ, vào thời kỳ hưng thịnh, bến càng này là nơi giao thương buôn bán giữa thương lái Ấn Độ và các đất nước khác ở Đông Nam Á như vương quốc Khmer ( Campuchia), vương quốc Shrivijaya ( Malaysia) và các đế chế Champa ( An Nam). Những thế kỷ sau đó, mặc dù đã qua thời kỳ hưng thịnh, Quần thể kiến trúc Mahabalipuram vẫn nổi tiếng bởi bến cảng Mahabalipuram và những đền thờ của đạo Bà La Môn.

Một số công trình kiến trúc tại quần thể kiến trúc Mahabalipuram..

 Các di tích chính ở quần thể kiến trúc Mahabalipuram gồm:

Đền thờ Rathas: đền Rathas có hình dáng giống xe ngựa, đây là một công trình được xây dựng bằng đá nguyên khối và nối lại với nhau bằng cát. Đền Rathas nổi tiếng nhất vào thời đại Naharasimhavarman Mamalla (từ năm 630 đến năm 68), lúc này Mahabalipuram là một thành phố lớn của Ấn Độ.

Khu bảo tồn Mandapas ( khu bảo tồn hang động): đây là những hang đá mô hình được dựng để chứa đựng những bức phù điêu của các triều đại. Những bức phù điêu này chủ yếu có nội dung về các vị thần Vishnu, Pandavas và Krisha..Mặc dù có đến hàng nghìn bức phù điêu song bức phù điêu giá trị nhất phải kể đến bức phù điêu mô tả thần Durga, bức phù điều này diễn tả cảnh tượng thần Dugra giết con quỷ đầu trâu Mahishsura..có thể nói đây là một trong những kiệt tác của nghệ thuật tạo hình Ấn Độ. 

Các tác phẩm điêu khắc trên kiến trúc tại Mahabalipuram, Ấn Độ

Bức phù điêu khổng lồ được xây dựng theo hình tượng thần Shiva, thần của vùng sông Hằng và tôn giáo Ấn Độ. Theo truyền thuyết kể lại vua Baghirata đã xin trời đất ban cho dòng sông để người dân bớt khổ cực và hạn hán. Lời cầu nguyện của vua Baghirata đã thấu đến trời xanh và thần Shiva đã được lệnh tạo ra con sông Hằng để làm nguồn nước nuôi dưỡng dân chúng. Bức phù điêu này sau đó được dựng lên để tỏ lòng biết ơn thần Shiva.

Đền thờ của Rivage cũng giống như nhiều ngôi đến khác ở Ấn Độ đều được xây dựng từ đá. Đền thờ của Rivage được xây dựng dưới thời vua Rajasimha Narasimavarmn II ( 695 -722). Đền có nhiều tháp và hàng ngàn tác phẩm điêu khắc với chủ đề chính là thần Shiva

Một vẻ đẹp kiến trúc khác không thể không nhắc đến đó là đền thờ Shore, trên nền biển xanh sâu của đại dương đền Shore đưgs sừng sững với một vẻ đẹp tráng lễ và lộng lẫy. Đền thờ Shore cũng là một trong những công trình kiến trúc đỉnh cao của của Ấn Độ. Hiện nay đến thờ này đang bị đe dọa bởi sự xói mòn từ nước biển, các tác phẩm điêu khắc ở đây ngày càng mất nét và trở nên không rõ ràng.

Quần thể kiến trúc Mahabalipuram nhận được nhiều sự quan tâm của Chính phủ Ấn Độ sau hơn 40 năm khu vực này bị bỏ ngỏ. Một đề án quy hoạch tổng thể quần thể kiến trúc Mahabalipuram đã được Bộ Văn hóa và Du lịch đệ trình lên Chính phủ vào năm 2003. Những công việc dọn dẹp, nhặt rác ở quanh khu vực di sản cũng thường xuyên được thực hiện.  Chính phủ đã cho xây dựng một hàng rào xung quanh khu di tích, cương quyết dẹp nạn bán hàng rong, lấn chiếm. Bên cạnh đó, Chính phủ còn kêu gọi các tổ chức tài trợ đề thăp đèn chiếu sáng toàn bộ khu di tích vào buổi toois. Hiện nay, Chính phủ Ấn Độ đang có một kế hoạch đầy tham vọng là xây dựng một con đường từ phía sau đền Shore chạy vòng quanh khu di tích để thuận tiện cho du khách thăm quan và phát triển du lịch.

NLH

 

Kiến trúc phật giáo sớm nhất của Ấn Độ Stupa sanchi và chùa Hang Ajanta

Kiến trúc phật giáo sớm nhất của Ấn Độ
Stupa sanchi và chùa Hang Ajanta

Khi còn sống, Phật truyền bá ý tưởng của mình:

''Trước đây và ngày nay, ta chi lí giải và nêu ra chân lí vế nỗi đau khổ và sự giải thoát về nỗi đau khổ''.

“Cũng như nước đại dương chỉ có một vị mặn, học thuyết của ta chì có một vị là cứu vớt”.

Chân lí về nỗi đau khổ và sự giải thoát khỏi nỗi đau khổ chính là điều trăn trở của Phật giáo mà mục đích cuối cùng là nhằm chỉ ra cho con người con đường chấm dứt mọi khổ đau. Như vậy, điểm xuất phát của đạo Phật là vô thần- Phật chẳng hê tự coi mình là thần thánh. Nhưng rồi người đời dần dần tôn vinh, thần thánh hóa Phật và người sáng lập ra đạo Phật trở thành một hình tượng vĩnh cửu để thờ tự. Theo đó, những công trình kiến trúc Phật giáo lần lượt xuất hiện theo ý niệm của người đời.

Ra đời vào khoảng thế kỉ thứ VI trước Công nguyên nhưng phải vào khoảng một hai thế kỉ tiếp giáp Công nguyên, những công trình kiến trúc Phật giáo sớm nhất của Ấn Độ mới thấy xuất hiện. Đây chính là những nguyên mẫu lí tưởng của nghệ thuật Phật giáo. Đứng về mặt kiến trúc, ngay từ thời kì này, đã xuất hiện hai loại hình chủ yếu của kiến trúc Phật giáo. Loại hình thứ nhất là loại hình thờ thánh tích, gọi là Stupa, một hình thức mộ táng nhưng cũng đồng thời là tháp, tiếng Ấn gọi là Dhatu, tức là nơi đặt thánh tích, di tích (hay xá lị) Phật. Loại hình thứ hai gọi là chùa, với khái niệm bao hàm là nơi thờ hình tượng Phật và là chỗ ở của nhà tu hành. Cấu trúc chủ yếu gồm hai phần: nơi làm lễ và nơi cư ngụ của sư.

Tiêu biểu cho hai loại hình kiến trúc Phật giáo đó là Stupa Sanchi và chùa Hang Ajanta.

Stupa Sanchi - bảo tháp lớn tưởng niệm Phật của nhiều thế hệ người Ấn

Tục truyền rằng, khi Phật sắp qua đời, môn đồ của Người - Ananda hỏi: ''Xin Người dạy nên giữ thánh tích của Người như thế nào?'' Phật không nói, chỉ lấy áo cà sa gấp lại trải trên đất, rồi lấy bát khất thực úp lên áo và đặt gậy chống lên trên. Ý Phật như thế nào không ai biết rõ. Nhưng dựa vào truyền thuyết này người đời đã xây bảo tháp, nơi thờ thánh tích của Phật trong vũ trụ, đặt trên một nền cao, trên đỉnh có đài hình vuông.

Những bảo tháp đầu tiên ra đời dưới tiều vua Asoka, một ông vua rất sùng đạo Phật của Vương triều Morya (821 - 187 TCN) - vương triều bản địa đầu tiên của người Ấn sau giai đoạn cai trị của người Hy Lạp. Asoka trị vì từ năm 236 - 187 trước Công nguyên, được coi là vị vua cuối cùng của Vương triều Morya chính thống. Trong những năm tháng trị vì của mình, Asoka đã cho dựng 84.000 tháp Phật, và có thể coi đây là những công trình kiến trúc thuần túy tôn giáo đầu tiên của Ấn còn lại cho đến ngày nay. Những tháp Phật này tập trung nhiều ở vùng Sanchi bên bờ sông Nacmada, thuộc miền Trung Ấn, nay thuộc bang Madya Prades.

Người đời nhiều khi vẫn không lí giải nổi về những việc làm của vị Hoàng đế này. Tại sao Asoka lại cho xây nhiều bảo tháp đến vậy? Hẳn cuộc đời của vị Hoàng đế này có nhiều trắc trở. Trong những năm đầu làm vua, Asoka đã từng là một Hoàng đế khắc nghiệt, thậm chí tàn ác. Theo truyền thuyết, Asoka đã lập ra một nhà ngục giết hại nhiều người bằng cực hình tàn khốc, trong đó có nhiều anh em, thê thiếp, triều thần của Nhà vua. Những dòng ghi chép của nhà sư Trung Hoa - đời Đường - là Huyền Trang, khi đến Ấn Độ vào thế kỉ thứ VII có nói rằng mọi người vẫn nhớ nhà tù đó, và gọi là địa ngục Asoka. Trong quá trình chinh chiến mở rộng lãnh thổ - để biến Vương quốc Magada thành một đế quốc rộng lớn chưa từng có ở Ấn Độ lúc bấy giờ, bao gồm toàn bộ lãnh thổ Ấn Độ, Pakistan và một phần Apganistan ngày nay, trừ vùng cực nam cao nguyên Decan - Asoka đã giết hơn 10 vạn người, bắt làm tù binh 15 vạn. Có lẽ hối hận vì những hành động tàn bạo của mình, Asoka tự thức tỉnh, nguyện làm một tín đồ của đạo Phật. Ông tỏ lòng khoan dung trắc ẩn với dân chúng. Nhà vua trịnh trọng tuyên bố rằng: ''Sẽ lấy sự chinh phục bằng tình thương thay thế cho sự chinh phục bằng sức mạnh'', phá bỏ nhà tù, bỏ cực hình, xây nhiều chùa chiền. Nhưng rồi về cuối đời, những việc làm từ thiện của ông đã không đem lại sự củng cố vững chắc cho quyền lực. Ông chết trong cảnh buồn thảm, bất hạnh, giữa sự chống đối của nhiều giáo phái khác nhau, trong đó có sự chống đối đáng kể của đẳng cấp Bàlamôn. Tuy nhiên, những cố gắng trong việc truyền bá đạo Phật của ông đã thành công. Chính từ những khát vọng, những mơ mộng thiếu thực tế của Asoka mà ngày nay, đến Sanchi ta còn bắt gặp những công trình kiến trúc Phật giáo cổ kính tuyệt mĩ.

Trải rộng trên một cao nguyên, Sanchi hiện lên uy nghi giữa những đỉnh tháp, nhà tu, miếu mạo, chùa chiền... Lác đác trên các sườn đồi, những con đường nhỏ tĩnh mịch thấp thoáng bóng các nhà tu hành trầm ngâm trong cõi đời thực hư... Trong khung cảnh đó, bảo tháp lớn- Stupa Sanehi hiện lên hùng vĩ và trầm mặc.

Đó là một công trình kiến trúc độc đáo kết hợp nhuần nhuyễn với nghệ thuật điêu khắc, và là tác phẩm của nhiều thế hệ người Ấn sùng đạo Phật mà ý tưởng ban đầu thuộc về triều đại Asoka. Đầu tiên, người ta xây tháp bằng gạch, sau đó đến thế kỉ thứ II tháp đã được ốp thêm bằng đá cho to rộng hơn. Tháp có chiều cao 15m, đường kính 35m, bao gồm 3 bộ phận chính: một bán cầu, trên có một vọng lầu và một hàng rào xung quanh.

Trên một nền kiến trúc vuông vức (áo cà sa gấp bốn của đức Phật) là một bán cầu khối đặc khổng lồ bằng gạch và đá, hình một cái bát úp sấp, chỏm hơi dẹt. Trên chỏm có xây một vọng lâu hình vuông, được cho là nơi để xá lị Phật. Trên tận cùng nóc là một cột có gắn 3 phiến đá lớn hình đĩa, tạo thành một chiếc dù nhiều tầng mà người ta cho là biểu tượng của sự tôn nghiêm, nhưng cũng có thể là để che mưa nắng. Chung quanh bán cầu có một hàng rào đá bao bọc, gồm 120 thanh cột chống, mở ra 4 hướng đông, tây, nam, bắc (H. 26 a, b, c).

Hình 26 a: Tháp thế kỉ I trước CN- thế kỉ I sau CN. Sanchi, Madhya Pradesh

Sau đó, công trình kiến trúc kì vĩ thần bí này tiếp tục được người Ấn hoàn thành vào khoảng cuối thế kỉ I, trong một hoàn cảnh xã hội đã thay đổi, nhưng lòng sùng kính Phật vẫn còn nguyên như những khát vọng của Asoka ngày nào.

Hình 26b: Phục chế một trụ cổng (torâna), Sanchi, theo P.Brow

Hình 26c: Cửa đông, hai con chằn cái chân quì, đá, thế kỉ I sau CN, Sanchi.

Lần trùng tu và xây dựng mới này thuộc về Vương triều Andra (hay Satavnhata) - nguyên là một Vương triều miền Nam Ấn, trước đã từng bị đế quốc Magada thôn tính dưới thời Asoka. Năm 28 TCN, Andra chiếm Magada. Vào thế kỉ II, nó đã phát triển thành một đế quốc rộng lớn, lãnh thổ mở rộng đến tận phía bắc lặng Vindya, có nghĩa là bao gồm cả Trung Ấn, nơi có vùng đất Phật Sanchi. Đế quốc Andra tồn tại khoảng 460 năm, vào khoảng thế kỉ thứ III thì tan rã, nhưng giai đoạn này vẫn được coi như là một thời kì bình yên, với sự phát triển đáng kể của kĩ nghệ và thương mại Ấn. Đặc biệt họ đã có những quan hệ buôn bán và hòa trộn văn hóa với người Koma. Những nhà buôn Roma đã đem đến vùng cao nguyên Decan cách sống tinh tế, lịch làm của họ cùng với một khối lượng của cải đáng kể, giúp cho sự phát triển của kinh tế vùng này. Nhiều thành phố mới được xây dựng và trở nên hưng thịnh. Một tầng lớp nhà buôn mới, giàu có xuất hiện, và họ chính là những người bảo trợ nhiệt thành cho những công trình kiến trúc, nghệ thuật dưới triều đại Andra.

Trung Ấn vốn là một vùng đất thấm đượm văn hóa Phật từ hàng thế kỉ trước dưới Vương triều Morya, do đó những công trình nghệ thuật đạt đến đỉnh cao huy hoàng trong giai đoạn Andra chính là những công trình thuộc về kiến trúc Phật giáo. Stupa Sanchi tiếp tục được hoàn thiện vào khoảng thế kỉ I và chủ yếu là ở bốn cổng ra vào, và chính những chiếc cổng này đã làm nên điều huyền diệu cho bảo tháp lớn thiêng liêng này.

Ứng với bốn hướng đông, tây, nam, bắc là bốn cổng làm bằng đá, mỗi cổng bao gồm hai cột đứng thẳng đỡ ba xà ngang hơi cong bắc ngang, biểu tượng của tam thế (quá khứ, hiện tại, tương lại) trong giáo lí nhà Phật. Ở mỗi cột, mỗi dầu cột, mỗi cây chéo, mỗi cây chống đều đầy hình chạm nổi, được đánh giá là ''đạt đến trình độ điêu luyện của nghệ thuật chạm nổi'', “một thảm điêu khắc dày đặc, sống động và tinh tế”. Người nghệ sĩ tài ba đã sáng tạo nghệ thuật theo chủ đề tôn giáo, nhưng lại đưa nghệ thuật vượt lên cả tôn giáo, thể hiện một xúc cảm tràn trề, đắm say đối với cái đẹp và đối với cuộc sống. Những hình chạm nổi hỗn hợp đủ các loại thảo mộc, thú vật, người và thần thánh hết sức tinh vi, uyển chuyển và mềm mại. Đàn voi phủ phục, đàn sư tử cúi đầu, đàn hổ mắt lim dim... rồi chim thần Garuda, rắn thần Nga, những chú khỉ tinh nghịch, những con chim trĩ mềm mại... như cả một khu rừng xanh hiển hiện, thức tỉnh vùng đồi Sanchi yên tĩnh. Hình ảnh thú vật ở đây được coi như là bạn bè, là người anh em với con người trong cùng một kiếp luân hồi.

Được chạm khắc nhiều nhất vẫn là những hình ảnh huyền thoại về nhà Phật; bánh xe pháp luân, những tín đồ sống khổ hạnh, ăn uống đạm bạc, cởi trần tự hành hạ về thể xác để được thanh thản về phần hồn. Rồi những hình ảnh minh họa về cuộc đời Phật. Ở cổng phía đông, trên một cái cột đá có một mặt chạm khắc cảnh Thích Ca Mâu Ni ngồi thiền định dưới gốc cây bồ đề, chân xếp, tay chắp lên ngực, mắt nhìn xuống ẩn chứa bao nỗi niềm trăn trở, từ bi... để trong tâm người đời tìm thấy sự tĩnh lặng, và dòng thời gian vẫn êm đềm trôi hàng ngàn năm nay dưới cái nhìn ẩn đật đó.

Kì lạ thay Ấn Độ! Hiển hiện một thế giới suy tư. Con người sinh ra như để triết lí về ý nghĩa cuộc đời. Đời là khổ ''nước mắt chúng sinh nhiều hơn nước đại dương'', kiếp người lại không ngừng tái sinh, luân hồi, nên chỉ có thể xa lánh cõi trầm luân để thoát khỏi luân hồi. Nhưng bản thân cuộc sống là thực tế, không thể tự mình suy tư để thoát khỏi trần thế, thoát khỏi sự phân biệt đẳng cấp sâu sắc đang ngự trị trong xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ. Đạo Phật dần dần nhường chỗ cho sự trở lại của đạo Bàlamôn dưới một dạng hoàn chỉnh hơn, đó là đạo Hindu, như một sự thừa nhận thực tế. Và dường như Stupa Sanchi là công trình kiến trúc không hẳn Phật giáo mà mang cả âm hưởng của Hindu.

Cũng ở trên cổng phía đông, nơi có gốc cây bồ đề mà Phật Tổ giác đạo, còn có chạm nổi một nữ thần (Yaksi)- Will Durand miêu tả: ''Chân tay nặng nề, mông dày, bụng thon, bộ ngực nhô ra đồ sộ, điệu bộ phóng túng gợi tình''. Hai bên cây chéo của cổng, bên cạnh những chú voi cong vòi sống động, cũng nhìn thấy những pho tượng đắp nổi đẹp tuyệt vời của những tiên nữ khỏa thân. Trong tư thế bay bổng trên không trung, cơ thể uốn cong, dáng đứng uyển chuyển mềm mại, mình thon, ngực và hông nở, những tiên nữ toát lên một vẻ đẹp vừa trần tục, vừa thánh thiện. Một nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật đã thất lên đầy thán phục: ''...Người thợ điêu khắc Ấn Độ đã biết phô diễn một cách tuyệt vời cơ thể con người, ở tượng nữ quần áo đơn giản đến mức người ta chỉ có cảm giác. Và tính nhục cảm thể hiện rõ ở đôi môi, bộ ngực, cánh tay... tất cả đều tràn trề một tình cảm nồng thắm, cháy bỏng tình người''.

Sanchi đã trở thành một phong cách nghệ thuật trong nghệ thuật cổ điển Ấn Độ, thể hiện rõ một quan niệm thẩm mĩ nhiều nữ tính- sự đầy đặn của hình thể, cử chỉ mềm mại theo dáng uốn lượn, sự biểu lộ rõ của các khối nổi... Những đặc điểm đó sau này ảnh hưởng rất rõ nét trong trường phái nghệ thuật Mathura.

Chùa hang Ajanta, kiệt tác của nghệ thuật cơ đại Ấn Độ

Thật hiếm có một dân tộc nào trên thế giới mà lòng nhiệt thành với tôn giáo lại nồng thắm, cháy bỏng như người Ấn. Từ một khối núi đá khổng lồ họ đã bỏ ra biết bao công sức để đục đẽo tạo thành những công trình kiến trúc kì vĩ và tỉ mỉ. Đứng trước những công trình đó con người không có một cảm giác nào khác ngoài sự thán phục trước cái đẹp do chính con người tạo ra. Chùa hang Ajanta là một công trình kiến trúc như vậy! Từ thế kỉ thứ VII, nhà sư Trung Quốc Huyền Trang tới đó đã phải thốt lên: ''Ở đây tất cả mọi thứ đều kì vĩ, đồng thời tất cả mọi cái cũng đều tinh tế''.

Hình 27: Chùa hang Ajanta

Nằm ở miền Trung Ấn (nay thuộc bang Maharastra), phức hợp hang Ajanta bao gồm 30 chùa, trong đó có những công trình được tạo ra từ thời vương triều Andra, như hang số IX và số X. Hầu hết những chùa hang còn lại là sản phẩm của vương triều Phật giáo Gupta (320 - giữa thế kỉ VIII), trong đó giai đoạn từ thế kỉ IV đến thế kỉ VI vẫn được coi là ''thời đại hoàng kim'' của văn học, nghệ thuật Ấn Độ và cũng là giai đoạn đánh dấu sự phát triển tuyệt đỉnh của nghệ thuật Phật giáo.

Những ngôi chùa được đục khoét sâu trong lòng hang đá, có bàn thờ Phật, đại sảnh để làm lễ. Phía ngoài thường có khoảng 20 hàng cột bằng đá đục liền, trang trí công phu trước khi qua dãy hiên vào đại sảnh. Hai bên có hai dãy trai phòng dùng làm nơi cư ngụ của các sư.

Người ta đục đền thờ trong lòng hang và đáy hang, và có lẽ chính vì phải cắt, đục trong lòng núi đá mà có khái niệm ''chùa hang''. Mỗi hang là một công trình kiến trúc, nghệ thuật. Có những hang rất lớn, như hang số XVI, dài rộng mỗi chiều tới 20 mét. Hang I và hang II có những phòng hội họp mênh mông, có những cột lớn đục đường soi, chân vuông, phía trên tròn trang trí hình những tràng hoa lớn. Hang XXVI có những hang cột trụ vĩ dại đỡ một ngạch cửa với những hình chạm trổ tinh tế.

Các hang ở Ajanta chứa đầy những bức họa đẹp nhất của nghệ thuật Phật giáo. Chi chít trên vòm hang và đáy hang lả những bức vẽ màu. Người ta thống kê trong 30 hang có 16 hang vẽ những cảnh rất sinh động về sự tích nhà Phật bằng phẩm màu đỏ, xanh, lam, trên nền đá tự nhiên. Hang số XVIII, rất nổi tiếng với bức bích họa miêu tả một người phụ nữ và một đứa trẻ, khuôn mặt khao khát hướng đến sự giải thoát, được giải thích là vợ và con của đức Phật. Còn hang XIX không thể không kể đến hình tượng Phật đứng (Budhapad) chạm khắc nổi trên nền đá xám, áo cà sa bó thân, trơn tru, bám sát vào cơ thể, hở vai phải. Khuôn mặt lí tưởng hóa, hơi mỉm cười, đôi mắt nhìn xuống, với những dấu hiệu quý tướng biểu trưng của thần thánh (tóc xoăn, tai dài...). Tay phải được tạc liền thần, lòng bàn tay mở hướng ra phía trước theo thế Abhayamudra. Bức phù điêu này vẫn được coi là một nguyên mẫu của tượng Phật đứng, mà sau đó một ít có thể bắt gặp khá phổ biến trong nền nghệ thuật Phật giáo ở một số nước trên thế giới.

Hình 28: Chùa hang Ajanta - hang số XIX (phục hồi thiết diện, theo P. Brow).

Ngoài ra còn phải kể đến rất nhiều phù điêu mô tả cuộc sống nhiều mặt của người dân Ấn đương thời. Nét vẽ, nét chạm khắc sắc sảo, màu rất tươi, rất hiện thực. Đặc biệt, ở những tác phẩm đó, trang phục và trang sức của các nhân vật được miêu tả khá chi tiết ở các nhân vật nữ chẳng hạn, từ đầu tóc, quần áo, đồ trang sức đến tư thế... tất cả đều quá hoàn hảo. Chính vì thế, Ajanta mãi mãi là một kho tàng vô giá chẳng những đối với nghệ thuật mà còn đối với các ngành khoa học nghiên cứu lịch sử, dân tộc học...

Nhiều người còn nói đến nghệ thuật bố trí ánh sáng khéo léo trong hang, làm cho những hình ảnh được mô tả trở nên sống động. Tùy theo góc độ xem tranh mà cảm thấy nhân vật hiện lên với vẻ trầm tư nghiêm nghị hoặc hiện lên với một nụ cười dịu dàng như chưa bao giờ thấy.

Một nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật Ấn Độ đã nhận xét về Ajanta: ''Tình cảm ở đây được biểu hiện rõ rệt dưới các hình thức khác nhau: trong sắc lá mùa xuân, trong dáng ngọn cây nghiêng mình trước cơn giông tố, trong cách đứng ngồi, cách cau mày, trong dáng điệu uể oải của làn mi cụp xuống, trong cái run rẩy của đôi môi, trong cách lau một giọt lệ hoặc hạ tấm mạng choàng...''.

Di tích lịch sử, nghệ thuật quý giá này đã bị chìm trong quên lãng hàng chục thế kỉ, mãi đến năm 1819 mới được phát hiện ra. Từ đó và mãi mãi, nó vẫn được xếp vào hàng những kiệt tác nghệ thuật của nhân loại, báu vật trong kho tàng văn hóa của loài người.

Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2013

NGHỆ THUẬT PHẬT GIÁO * KẾT LUẬN

NGHỆ THUẬT PHẬT GIÁO * KẾT LUẬN

 

KẾT LUẬN


Trong thế giới này, Hồi giáo và Thiên chúa giáo đông nhất, Phật giáo đứng hạng ba về dân số thế giới.Sau khi nghiên cứu về Phật giáo trên thế giới, tôi thấy xúc động tràn ngập tâm hồn.
Tôi nghĩ rằng những người xưa đã tạo ra những điện thờ trong hang động Ấn Độ và Java là những thần nhân từ hành tinh nào đến và đã bỏ lại đàng sau những công trình vĩ đại. Tại Trung Hoa, Nhật bản , Cambodia đã có những công trình kiến trúc vĩ đại của Phật giáo. Và từ đó, ta thấy người Việt Nam ta không có những công trình lớn mà chỉ là những am nhỏ, chùa nhỏ. Chùa Một Cột là một công trình kiến trúc độc đáo nhưng quá nhỏ. Dân Khmer, dân Chàm có những công trình lớn hơn ta nhiều mặc dầu ta có những kiến trúc sư tài ba như Nguyễn An, người xây thành Bắc Kinh. Có lẽ nước ta nghèo. Cũng có thể  các nhà kiến trúc, và các sư ta có tinh thần tri túc mạnh mẽ, không cần xây dựng nhiều,  chỉ cần một bàn thờ nhỏ, một chỗ ngồi tĩnh tọa, một chỗ nằm và có một không gian cho vài người lần lượt lễ bái và có thể chứa một hai đệ tử là đủ. Chừng đó cũng đủ cho ta làm chủ, làm trụ trì.. Ta biết ta, không cần ai, không liên hệ vói ai cho thêm phiền toái....

Có vài công trình tương đối vĩ đại do những trí tuệ siêu việt sáng tạo, nhưng đa số là chùa nhỏ. Lịch sử các ngôi chùa Việt Nam cho biết đa số ban đầu là những chòi lá, nhà tranh đơn sơ sau một thời gian, người ta xây cất lên những ngôi chùa khang trang hơn tồn tại cho đến ngày nay dù đã qua bao cơn hoại diệt. Một số chùa đã mất tích vì chiến tranh, vì thực dân, vì cộng sản, vì bạo quyền và vì lòng tham sân si của con người. Phật giáo cũng  chỉ là  một hiện tượng, một pháp trong vạn pháp cho nên cũng phải tuân thủ quy luật "thành, trụ, hoại, diệt" của vũ trụ. 

Tại Việt Nam, Phật giáo đã phải trải qua nhiều cơn Pháp nạn. Ngày nay hòa bình đã trở lại, nhưng chết chóc, đọa đầy và xich xiềng vẫn đeo nặng trên thân thể Phật tử và  tín đồ các tôn giáo khác. Phật giáo đã cùng chung nỗi đau khổ của dân tộc Việt Nam nghèo khổ, mất tự do và dân chủ. Sau 1975, những ai không theo cộng sản thì bị đọa đầy, giam cầm, tra tấn. Chúng đuổi một số nhà tu về nhà, hoặc bỏ họ trong lao tù, còn chùa chiền thì chúng cướp phá. Công an ở trong chùa, điều khiển mọi hoạt động của chùa. Chúng cho cán bộ, bô đội hưu trí ở trong chùa giả làm ni, sư. Chúng lấy cớ sửa chữa chùa chiền để phá chùa chiền. Một mặt chúng lấy tiền nhà nước, sơn phết qua loa và phá hoại nét cổ kính và hiền hòa của cửa chùa. Một sự kiện khá rõ rệt là diện tích  một số các chùa ngày càng hao hụt , có khi mất hơn một nửa vì lý do nảy hay lý do khác, nhất là sau 1975 . Hành động tàn ác của chúng lấy nước  Đông hải rửa không  sạch vết nhơ, lấy trúc Nam sơn ghi không hết tội .

Tâm người Việt Nam nhỏ bé,  đa số chạy theo bọn ác, kể cả trí thức và sư sãi. Phật tử phải theo lời Phật dạy là làm lành lánh dữ . Còn những ai chạy theo bọn phản quốc, cướp đoạt quyền tự do dân chủ của nhân dân đều là bọn hung tàn mặc dầu chúng mặc áo nâu sòng, đầu cạo trọc. Một số  tu hành nhưng lòng dạ tôm tép.  Ở Việt Nam ta it kẻ có lòng như ông Mai Thọ Truyền, biết tổ chức Phật giáo thành hệ thống. Không ai có lòng truyền bá Phật giáo ra khỏi khuôn viên chùa mình, nói chi chuyện lên núi sâu rừng thẳm hay vượt đại dương mà truyền đạo như chư tăng thời vua A Dục, như thầy Huyền Trang, như Đạt Ma sư tổ...
Phật giáo hiện nay đã tùy duyên mà hành xử. Như Đài Loan, như Hồng Kông, như Nhật Bản đã kiến tạo những cơ sở Phật giáo vĩ đại. Nhưng tại vài nước Âu Mỹ, Phật giáo tiến từng bước thận trọng và nhẹ nhàng. Đa số là những trung tâm dạy Thiền. Có thể là một lớp tại trường nào, hay building nào, hay thương xá nào. Thứ bảy, chủ nhật, công ty đóng cửa, người ta tập họp tại một phòng nào đó, khảm thờ ở trong một cái tủ hay một phòng nhỏ mà ngày thường là cửa hàng, là văn phòng. Lớn hơn nữa, các Phật tử thuê nhà, mua nhà, mua nhà thờ mà sửa lại thành chùa.

Đa số chúng ta nhỏ bé và hèn mọn, như con sâu và con kiến trong cuộc đời nhưng có một số người rất vĩ đại. Họ có một cái tâm bao la và một cái tài vĩ đại cho nên đã tổ chức, vạch kế hoạch và thực hiện những công trình tráng lệ và huy hoàng trong hội họa, điêu khắc và kiến trúc. Họ phối hợp với nhau hàng trăm người, hàng ngàn người lao đông trí tuệ và lao động chân tay kết họp hàng chục năm để tạo những ngôi chùa vĩ đại trong hang núi, trên đỉnh cao và giữa đô thị hiện đại của cuối thế kỷ XX.

Những công trình đó rất vĩ đại với những tháp cao, bằng mấy chục tầng lầu, những tượng Phật cao mấy chục mét, và những bức tranh lụa hay vẽ vào tường rất linh động và tuyệt mĩ. Cái gì đã làm cho những nghệ sĩ, những công nhân đã ra sức kiến tạo những công trình nghệ thuật đó? Phải chăng do cái cao siêu của  triết lý bình đẳng, từ bi, tự lực của  Phật giáo? Phải chăng  chính khuôn mặt  hiền hậu của đức Phật và Quan Âm Bồ tát đã nâng cao tâm hồn con người , đưa con người đi vào suối chân thiện mỹ và nghệ thuật sáng tạo?

Nghĩ xa hơn nữa, đời quả là sự chuyển luân và nhân quả tương tác. Từ thế kỳ XIV, người Âu châu đã đi truyền đạo khắp nơi Á châu thì nay bằng hòa bình Á châu lại gieo mầm Phật pháp tại Âu, Mỹ, Phi.
Và quả là vũ trụ xoay vần và phát triển theo chiều hướng tích cực. Phật giáo đã có cơ sở tại Trung Đông, Phi châu và nước Ý. Điều này cho thấy con người ngày nay rộng mở, đã đón nhận những luồng gió mới, rất khoan dung, không khắc nghiệt, không kỳ thị như thời trung cổ. Chúng ta mong mỏi các tôn giáo trên thế giới ngày càng xích lại gần nhau, thực hiện từ bi, bác ái của đấng Tối cao để tạo hòa bình cho thế giới này
.
 Tuy nhiên bên cạnh sự tiến bộ của tâm khai phóng, chúng ta còn thầy đâu đó những sự sân hận và bạo tàn.  Người ta vi phạm tự do, dân chủ và nhân quyền. Chùa chiến Phật giáo bị phá hoại, chư tăng và Phật tử vị sát hại, bị cầm tù và bị vu khống. Chúng ta cần phải nhẫn nhục, tinh tấn để sống hòa bình trong thế giới này.

Như đã trình bày ở lời nói đầu, bộ sách này chỉ là công trình sưu tập tài liệu, hình ảnh của những người đi trước. Người sưu tập thu góp hương trời từ muôn phương để trao gửi đến muôn phương những màu sắc của nhân loại và vũ trụ.  Khép tập sách này lại, chúng ta đã đi ngao du trên 30 quốc gia với gần ngàn ngôi đền, chùa khác nhau. Chúng ta đã  đi hành hương về Phật tích, chúng ta đã đi ngắm cảnh quan khắp nơi từ cảnh thâm u cổ tích  cho đến chốn hùng vĩ, hiện đại.  Chúng  ta đã thấy cái hùng vĩ của văn minh Ấn Độ, những sắc thái Phật giáo Tây Tạng, Trung quốc, Thái Lan và Nhật Bản.  Chúng ta đã vào đất Phật, Cầu mong  tâm viên  quý vị  nở đầy  những đóa hoa từ bi , và  trái an lạc.
Ottawa ngày 30  tháng 9 năm 2013
Nguyễn Thiên Thụ




PHỤ LỤC: Danh sách các chùa Việt Nam

A. CÀC CHÙA Ở HÀ NỘI

1- CHÙA LÁNG - Đống Đa 

2- CHÙA PHỤNG THÁNH- Đống Đa  
 3. CHÙA MỘT CỘT-Ba Đình
4- CHÙA TRẤN QUỐC -Ba Đình
5- CHÙA BÁT THÁP- Ba Đình
6. CHÙA THẦN QUANG - Ba Đình
7. CHÙA HOÈ NHAI-Ba Đình
8. CHÙA LÝ QUỐC SƯ- Hoàn Kiếm
9- CHÙA QUÁN SỨ: Hoàn Kiếm
10 . CHÙA CẦU ĐÔNG - Hoàn Kiếm
11- CHÙA LIÊN PHÁI- Hai Bà Trưng
12. CHÙA KIM LIÊN -Tây Hồ
13.  CHÙA BÀ ĐANH - Tây Hồ 

 B. CÁC CHÙA Ở MIỀN BẮC

14. CHÙA TAM THANH -Lạng Sơn
15. CHÙA QUỲNH LÂM-QuảngYên

16. CÁC CHÙA TRÊN NÚI YÊN TỬ - Quảng  Yên

17. CHÙA VĨNH NGHIÊM- BắcGiang
18.CHÙA BỔ ĐÀ-  BắcGiang
19. CHÙA NON NƯỚC-Ninh Bình
20. CHÙA BÁI ĐÍNH – Ninh Bình
21.  CHÙA THẦY -Sơn Tây
22. CHÙA  TÂY PHƯƠNG-Sơn Tây 
23. CHÙA MÍA -Sơn Tây
24.  CHÙA TIÊU SƠN-Bắc Ninh
25. CHÙA CẢM ỨNG-Băc Ninh
26. CHÙA PHẬT TÍCH - Bắc Ninh
27- CHÙA ĐẬU  - Bắc Ninh
28.  CHÙA BÚT THÁP -Bắc Ninh
29.  CHÙA SỦI - Bắc Ninh
30. CHÙA ĐÀO XUYÊN - Bắc Ninh
31. CHÙA KEO -Bắc Ninh.
32. CHÙA TRĂM GIAN -Bắc Ninh
33. CHÙA TRĂM GIAN-  Chương Mỹ (Hà Đông)
34.CHÙA DÂU - Hà Đông
35. CHÙA BỐI KHÊ -Hà Đông
36. CHÙA BỒ ĐỀ - Hà Đông
37.CHÙA THANH AM, Hà Đông
38. CHÙA KHUYẾN LƯƠNG-  HàĐông
39.QUẦN THỂ CHÙA HƯƠNG-  Hà  Đông
40. CHÙA LONG ĐỌI- Hà Nam
41. CHÙA VỌNG CUNG-Nam Định
42. CHÙA MỄ SỞ- Hưng Yên
43. CHÙA TƯ PHÚC  - Hải Dương 
44. THIỀN VIỆN TRÚC LÂM - Vĩnh Phúc
45. CHÙA TÙNG VÂN- Vĩnh Phúc

Danh từ Ấn, Hồi

A
 
Abhidamma: Luận, một trong tam tạng của Phật giáo.
 
Açoka [Ashoka]: (A Dục) một trong những ông vua đầu tiên theo đạo Phật và làm cho đạo đó phát triển mạnh, ở thế kỉ thứ III trước Công nguyên.
 
Adrishta: Vô kiến
 
Advaitam: bất nhị nguyên
 
Ahimsa: giới luật bất tổn sinh (không được làm thương tổn tới sinh mạng của một loài nào), ta thường dịch là bất bạo động, hoặc bất hại.
 
Ajur veda: phép trường sinh chỉ trong Arthava Veda.
 
Akbar: (A Cách Bá) một ông vua gốc Mông Cổ cai trị Ấn, rất có tài, ở thế kỉ XVI.
 
Amida: Phật A Di Đà.
 
Ananda: khánh hỉ tức cảnh vĩnh phúc khi đã đại giác, thấy mình với Đại Ngã chỉ là một. Cũng là tên một môn đệ thân tín của Phật Thích Ca, theo truyền thuyết có công đầu chép lại lời dạy của Phật; tiếng Hán là A Nan. 
 
Aranyaka: một phần trong các kinh Veda.
 
Arhat: La Hán, trong đạo Phật. Trong đạo Jaïn, trỏ một linh hồn đã được giải thoát vĩnh viễn.
 
Asana: (tư thế) giai đoạn thứ ba để tu yoga: bỏ hết mọi cử động, cảm giác.  
 
Ashrama: giai đoạn tu hành theo Bà La Môn để tới bực thánh.
 
Astika: hữu (trái với vô).
 
Atharva Veda: Coi Veda.
 
Atman: linh hồn của mọi linh hồn, tức cái Đại Ngã. Atman với Brahman chỉ là một.
 
Avalokiteshvara: một vị thần từ bi trong Ấn Độ giáo.
 
Avidya: vô minh (không sáng suốt, mê muội).
 
B
 
Bengali: một ngôn ngữ văn chương ở miền Bengale.
 
Bhakti-yoga: con đường tu hành bằng từ ái.
 
Bhagavad Gita: trường thi triết lí danh tiếng nhất của Ấn, người Trung Hoa dịch là Bát Già Phạn khúc.
 
Bhikkhu: tì khưu.
 
Bodhi: cây bồ đề.
 
Bodhisattwa: Phật Bồ Tát, tự nguyện đầu thai để cứu nhân loại.
 
Brahma: Phạn Thiên, một trong ba vị thần tối cao.
 
Brahmana: Phạn chí, sách lễ của đạo Bà La Môn.
 
Brahmane [Brahman]: Bà La Môn, trỏ một tập cấp tu sĩ và đạo của các tu sĩ đó, đạo này có trước Phật giáo, rất phổ biến ở Ấn.
 
Brahman: Thực thể của vũ trụ, linh hồn của mọi vật (nhiều sách thường dùng lẫn lộn Brahma với Brahman).
 
Bhrama-chary: giai đoạn tu hành thứ nhất của Bà La Môn khi chưa có vợ.
 
Bhramacharya: nguyện vọng của người tu hành, bỏ hết nhục dục, giữ cho mình thanh khiết.
 
Bhrama-somaj: Hội Brahma, một phong trào cải lương ở thế kỉ XIX.
 
Buddhi: trí năng.
 
CH
 
Chaïtya [Chaitya]: phòng hội họp trong các chùa, đền.
 
Charka: guồng quay sợi.
 
Charvaka: một phái duy vật ở Ấn.
 
D
 
Darshana: tên gọi chung các triết hệ chính thống ở Ấn.
 
Devadasi: ca vũ nữ mà cũng là con gái điếm trong các đền Ấn.
 
Devadatta: (Đề Bà Đạt Đa) em bà con của Phật.
 
Dharana: giai đoạn thứ sáu để tu yoga: thiền.
 
Dharma: bổn phận thuộc mỗi tập cấp.
 
Dhyana: giai đoạn thứ bảy để tu yoga: định.
 
Digambara: một phái trong đạo Jaïn, chủ trương khoả thân.
 
Dravidien [Dravidian]: thổ dân ở Nam Ấn.
 
F
 
Fakir: từ ngữ này gốc Ả Rập, chính nghĩa là nghèo, mới đầu trỏ một hạng tu sĩ Hồi nguyện sống nghèo, sau trỏ cả những tu sĩ yoga.
 
G
 
Gandhara: tên một miền mà cũng là một phái điêu khắc chịu ảnh hưởng của Hi Lạp.
 
Gautama: Cồ Đàm, thị tộc của Phật Thích Ca.
 
Gopuram: cửa chính trong các đền Ấn.
 
Grihastha: giai đoạn tu hành thứ nhì của Bà La Môn khi có vợ.
 
Guna: khả năng biến hoá.
 
Gupta: tên một miền ở Ấn rất thịnh, rất văn minh trong các thế kỉ thứ IV, V; cũng trỏ nền văn minh đó.
 
Guru: thầy, phu tử; mỗi trẻ em Ấn theo học một guru từ nhỏ tới khoảng 20 tuổi, phải phục vụ guru cũng như hồi xưa chúng ta phục vụ các thầy đồ.
 
H
 
Hinayana: Tiểu thặng, cũng gọi là Tiểu thừa (tiếng Pháp dịch là Petit véhicule).
 
Hindi: một thổ ngữ quan trọng ở Ấn.
 
Hindoustani [Hindustani]: một thổ ngữ từ thổ ngữ hindi chuyển qua.
 
I
 
Inana-yoga [Jnana-yoga]: con đường tu hành bằng trầm tư.
 
Ishvara: đấng Sáng tạo, cũng tức là Brahman.
 
J
 
Jaïn [Jain]: (Kì Na giáo) một tôn giáo đồng thời với đạo Phật.
 
Jaimini: người thành lập triết thuyết Purvamimansa.
 
Jina: đấng Cứu thế, theo đạo Jaïn.
 
K
 
Kali: nữ thần, thường được coi là thần Chết, hình rất rùng rợn, vợ của thần Shiva.
 
Kalpa: kiếp, một chu kì bằng 4.320 triệu năm.
 
Kanada: thuỷ tổ phái Vaisheshika.
 
Kapila: người lập ra triết thuyết Sankhya.
 
Kapilavastu: Ca Tì La Vệ, kinh đô vương quốc của thân phụ Phật Thích Ca.
 
Karma: nghiệp báo.
 
Karma-yoga: con đường tu bằng hành động.
 
Khaddar: một thứ hàng “len” xấu, hoặc một thứ vải thô người Ấn dệt lấy.
 
Kharosthi: cổ tự Ấn ở thế kỉ thứ V trước Công nguyên.
 
Krishna: một vị thần, hoá thân của thần Vichnou.
 
Kshatriya: tập cấp chiến sĩ.
 
L
 
Linga: hình tượng trưng dương vật, để thờ.
 
M
 
Mahabharata: một anh hùng trường ca thời cổ, rất danh tiếng.
 
Mahatma: thánh.
 
Mahavira: đại anh hùng, tên tín đồ Jaïn tặng người sáng lập ra đạo Jaïn.
 
Mahayana: Đại thặng, cũng gọi là Đại thừa (tiếng Pháp dịch là Grand véhicule).
 
Mahayuga: một thời vận bằng 4.320.000 năm, một phần ngàn của một kalpa.
 
Manas: mạt-na, tức tinh thần.
 
Mandapam: cổng trong các đền Ấn.
 
Manou [Manu]: bộ luật cổ về các tập cấp; theo truyền thuyết, Manou là người soạn bộ luật đó.
 
Mantra: thánh ca, có chỗ trỏ thần chú, bùa phép.
 
Mastaba: bệ lớn trên đó dựng đền, như bệ Voi ở Đế Thiên Đế Thích.
 
Maya: Ma Da, tên thân mẫu Phật Thích Ca.
 
Moksha: sự thoát khỏi vòng luân hồi.
 
Mullah: tu sĩ Hồi giáo.
 
N
 
Nalanda: tu viện Na Lan Đà.
 
Naga: thổ dân Ấn trước khi người Aryen tới; cũng trỏ rồng thần hoặc rắn thần mà thổ dân đó thờ.
 
Nastika: vô (trái với hữu).
 
Niyama: (luật) giai đoạn thứ nhì để tu yoga: giai đoạn dự bị.
 
Nirvana: Niết bàn.
 
Nyaya: luận lí học, tên một triết thuyết trọng sự biện luận (chính nghĩa là nghị luận).
 
O
 
Om: một âm thiêng liêng của Ấn, người tu yoga khi toạ thiền, tụng hoài âm đó.
 
P
 
Pali: cổ ngữ Ấn ở phương Nam, có sau cổ ngữ sanscrit; các sách Việt thường dịch sanscrit và pali là tiếng phạn, có lẽ nên phân biệt sanscrit là bắc phạn, và pali là nam phạn.
 
Panchagavia: một phép “tẩy uế” rất đáng kinh, phải uống nước tiểu của bò cái, vân vân. 
 
Paria [Pariah]: tiện dân.
 
Pitaka: tạng.
 
Prakiti [Prakriti]: bản thể (cái sinh ra những cái khác).
 
Prakrit: cổ ngữ Ấn, có sau cổ ngữ sanscrit, trước cổ ngữ pali.
 
Pranayama: (điều khí) giai đoạn thứ tư để tu yoga: kiểm soát hơi thở.
 
Pratyahara: (li thế) giai đoạn thứ năm để tu yoga: diệt hết ý nghĩ.
 
Purana: sách giáo lí cho các tập cấp không phải là Bà La Môn; cũng có nghĩa là truyện cổ Ấn Độ. 
 
Purdah: tục đàn bà cấm cung và che mặt.
 
Purusha: thần ngã hoặc tinh thần.
 
Pura mimansa: một triết thuyết phản đối chủ trương vô tín ngưỡng.
 
R
 
Radjpute [Rajput]: dân miền Rajputana ở Tây Ấn.
 
Raga: nhạc chỉ.
 
Rahula: tên con trai của Phật Thích Ca.
 
Raja: người thủ lãnh một bộ lạc thời cổ.
 
Rajah: tiểu vương Ấn.
 
Rama: một hoá thân của thần Vichnou.
 
Ramayana: một anh hùng trường ca rất nổi danh thời cổ Ấn Độ.
 
Rig Veda: coi Veda.
 
Rita: đạo Trời.
 
S
 
Sama Veda: coi Veda.
 
Samadhi: (tuệ) giai đoạn thứ tám và cuối cùng để tu yoga: xuất thần.
 
Samana: sa môn.
 
Sankhya: số luận, môn phái triết có trước khi Thích Ca ra đời (chính nghĩa là liệt kê).
 
Sannyasi: giai đoạn tu cuối cùng của Bà La Môn: từ bỏ xã hội và gia đình.
 
Sanscrit: cổ ngữ Ấn Độ ở phương Bắc.
 
Sarnath: Lộc Uyển, nơi Phật Thích Ca thuyết pháp lần đầu.
 
Shah: tiếng Ba Tư trỏ vua.
 
Shakti: năng lực sinh hoá, sáng tạo; cũng trỏ giáo phái thờ năng lực đó.
 
Shakya Muni: Thích Ca Mâu Ni (có sách viết là Çakya Mouni).
 
Shaman: phù thuỷ.
 
Sangha: tăng già, đoàn thể tu sĩ trong Phật giáo.
 
Shankara: một triết gia, có công lớn với triết thuyết Vedanta, thuộc phái Bà La Môn; người ta coi ông là Kant của Ấn Độ.
 
Shiva: một trong ba vị thần tối cao.
 
Shivaisme [Shivaism]: giáo phái tôn thờ Shiva.
 
Shuddhodhana: Tịnh Phạn, thân phụ của Phật Thích Ca.
 
Shudra: tập cấp công nhân, lao động.
 
Siddharta [Siddhartha] Tất Đạt Ta, tên tục của Thích Ca. 
 
Sikh: tên một giáo phái, cũng trỏ những người theo giáo phái đó.
 
Stupa: cái tháp.
 
Sutra: lời bình giải các kinh, có hình thức cách ngôn, người ta thường dịch là kinh.
 
Sutta: kinh, một trong tam tạng của Phật giáo.
 
Swadeshi: phong trào tẩy chay hàng Anh.
 
Swaraj: phong trào tự trị.
 
 
 

 
Tượng Trimurti
 
 
T
 
Tamul [Tamil]: thổ ngữ văn chương của miền Nam, có chỗ viết là Tamil hay Tamoul.
 
Tantra: cổ thư, chân ngôn.
 
Tathagata: Như Lai, tôn danh của Phật Thích Ca, có nghĩa là vị nắm được chân lí.
 
Tattwa: thực thể, tát đoả.
 
Topa: cũng như stupa, mới đầu trỏ một nấm mồ, sau trỏ cái tháp chứa hài cốt các vị thánh hay hoà thượng.
 
Trimurti: tượng thần Shiva có ba mặt.
 
Tripitaka: tam tạng gồm Kinh, Luật, Luận của Phật giáo.
 
U
 
Upanishad: phần thuyết pháp trong các kinh Veda.
 
V
 
Vaisheshika: thắng luận, tên một triết thuyết.
 
Vaishnavisme [Vaishnavism]: giáo phái tôn thờ thần Vichnou.
 
Vaisya: tập cấp thương nhân.
 
Vanaprastha: giai đoạn tu hành thứ ba của Bà La Môn: ở ẩn trong núi, nhưng vẫn sống với vợ.
 
Veda: Vệ Đà hoặc Phệ Đà: các kinh có từ khoảng 1000 tới 500 trước Công nguyên. Nay còn 4 kinh: Rig Veda (Lê Câu Vệ Đà), Sama Veda, Yajur Vệ Đà (Dạ Nhu Vệ Đà), Arthava Veda. Cũng trỏ thời đại các kinh đó xuất hiện.
 
Vichnou [Vishnu]: một trong ba vị thần tối cao.
 
Vihara: tu viện. 
 
Vinaya: Luật, một trong tam tạng của Phật giáo.
 
Vishesha: đặc chất, đặc tính, thắng (phân biệt).
 
Y
 
Yajur Veda: coi Veda.
 
Yama: giai đoạn đầu tiên để tu yoga: diệt dục.
 
Yoga: Du già, một lối tu khổ hạnh (chính nghĩa là cái ách).
 
Yogi: người tu theo yoga.
 
Yoni: hình tượng trưng âm hộ, để thờ.
 
Yuga: một thời đại bằng một phần tư mahayuga.