Trang

Thứ Tư, 25 tháng 12, 2013

Kiến trúc phật giáo sớm nhất của Ấn Độ Stupa sanchi và chùa Hang Ajanta

Kiến trúc phật giáo sớm nhất của Ấn Độ
Stupa sanchi và chùa Hang Ajanta

Khi còn sống, Phật truyền bá ý tưởng của mình:

''Trước đây và ngày nay, ta chi lí giải và nêu ra chân lí vế nỗi đau khổ và sự giải thoát về nỗi đau khổ''.

“Cũng như nước đại dương chỉ có một vị mặn, học thuyết của ta chì có một vị là cứu vớt”.

Chân lí về nỗi đau khổ và sự giải thoát khỏi nỗi đau khổ chính là điều trăn trở của Phật giáo mà mục đích cuối cùng là nhằm chỉ ra cho con người con đường chấm dứt mọi khổ đau. Như vậy, điểm xuất phát của đạo Phật là vô thần- Phật chẳng hê tự coi mình là thần thánh. Nhưng rồi người đời dần dần tôn vinh, thần thánh hóa Phật và người sáng lập ra đạo Phật trở thành một hình tượng vĩnh cửu để thờ tự. Theo đó, những công trình kiến trúc Phật giáo lần lượt xuất hiện theo ý niệm của người đời.

Ra đời vào khoảng thế kỉ thứ VI trước Công nguyên nhưng phải vào khoảng một hai thế kỉ tiếp giáp Công nguyên, những công trình kiến trúc Phật giáo sớm nhất của Ấn Độ mới thấy xuất hiện. Đây chính là những nguyên mẫu lí tưởng của nghệ thuật Phật giáo. Đứng về mặt kiến trúc, ngay từ thời kì này, đã xuất hiện hai loại hình chủ yếu của kiến trúc Phật giáo. Loại hình thứ nhất là loại hình thờ thánh tích, gọi là Stupa, một hình thức mộ táng nhưng cũng đồng thời là tháp, tiếng Ấn gọi là Dhatu, tức là nơi đặt thánh tích, di tích (hay xá lị) Phật. Loại hình thứ hai gọi là chùa, với khái niệm bao hàm là nơi thờ hình tượng Phật và là chỗ ở của nhà tu hành. Cấu trúc chủ yếu gồm hai phần: nơi làm lễ và nơi cư ngụ của sư.

Tiêu biểu cho hai loại hình kiến trúc Phật giáo đó là Stupa Sanchi và chùa Hang Ajanta.

Stupa Sanchi - bảo tháp lớn tưởng niệm Phật của nhiều thế hệ người Ấn

Tục truyền rằng, khi Phật sắp qua đời, môn đồ của Người - Ananda hỏi: ''Xin Người dạy nên giữ thánh tích của Người như thế nào?'' Phật không nói, chỉ lấy áo cà sa gấp lại trải trên đất, rồi lấy bát khất thực úp lên áo và đặt gậy chống lên trên. Ý Phật như thế nào không ai biết rõ. Nhưng dựa vào truyền thuyết này người đời đã xây bảo tháp, nơi thờ thánh tích của Phật trong vũ trụ, đặt trên một nền cao, trên đỉnh có đài hình vuông.

Những bảo tháp đầu tiên ra đời dưới tiều vua Asoka, một ông vua rất sùng đạo Phật của Vương triều Morya (821 - 187 TCN) - vương triều bản địa đầu tiên của người Ấn sau giai đoạn cai trị của người Hy Lạp. Asoka trị vì từ năm 236 - 187 trước Công nguyên, được coi là vị vua cuối cùng của Vương triều Morya chính thống. Trong những năm tháng trị vì của mình, Asoka đã cho dựng 84.000 tháp Phật, và có thể coi đây là những công trình kiến trúc thuần túy tôn giáo đầu tiên của Ấn còn lại cho đến ngày nay. Những tháp Phật này tập trung nhiều ở vùng Sanchi bên bờ sông Nacmada, thuộc miền Trung Ấn, nay thuộc bang Madya Prades.

Người đời nhiều khi vẫn không lí giải nổi về những việc làm của vị Hoàng đế này. Tại sao Asoka lại cho xây nhiều bảo tháp đến vậy? Hẳn cuộc đời của vị Hoàng đế này có nhiều trắc trở. Trong những năm đầu làm vua, Asoka đã từng là một Hoàng đế khắc nghiệt, thậm chí tàn ác. Theo truyền thuyết, Asoka đã lập ra một nhà ngục giết hại nhiều người bằng cực hình tàn khốc, trong đó có nhiều anh em, thê thiếp, triều thần của Nhà vua. Những dòng ghi chép của nhà sư Trung Hoa - đời Đường - là Huyền Trang, khi đến Ấn Độ vào thế kỉ thứ VII có nói rằng mọi người vẫn nhớ nhà tù đó, và gọi là địa ngục Asoka. Trong quá trình chinh chiến mở rộng lãnh thổ - để biến Vương quốc Magada thành một đế quốc rộng lớn chưa từng có ở Ấn Độ lúc bấy giờ, bao gồm toàn bộ lãnh thổ Ấn Độ, Pakistan và một phần Apganistan ngày nay, trừ vùng cực nam cao nguyên Decan - Asoka đã giết hơn 10 vạn người, bắt làm tù binh 15 vạn. Có lẽ hối hận vì những hành động tàn bạo của mình, Asoka tự thức tỉnh, nguyện làm một tín đồ của đạo Phật. Ông tỏ lòng khoan dung trắc ẩn với dân chúng. Nhà vua trịnh trọng tuyên bố rằng: ''Sẽ lấy sự chinh phục bằng tình thương thay thế cho sự chinh phục bằng sức mạnh'', phá bỏ nhà tù, bỏ cực hình, xây nhiều chùa chiền. Nhưng rồi về cuối đời, những việc làm từ thiện của ông đã không đem lại sự củng cố vững chắc cho quyền lực. Ông chết trong cảnh buồn thảm, bất hạnh, giữa sự chống đối của nhiều giáo phái khác nhau, trong đó có sự chống đối đáng kể của đẳng cấp Bàlamôn. Tuy nhiên, những cố gắng trong việc truyền bá đạo Phật của ông đã thành công. Chính từ những khát vọng, những mơ mộng thiếu thực tế của Asoka mà ngày nay, đến Sanchi ta còn bắt gặp những công trình kiến trúc Phật giáo cổ kính tuyệt mĩ.

Trải rộng trên một cao nguyên, Sanchi hiện lên uy nghi giữa những đỉnh tháp, nhà tu, miếu mạo, chùa chiền... Lác đác trên các sườn đồi, những con đường nhỏ tĩnh mịch thấp thoáng bóng các nhà tu hành trầm ngâm trong cõi đời thực hư... Trong khung cảnh đó, bảo tháp lớn- Stupa Sanehi hiện lên hùng vĩ và trầm mặc.

Đó là một công trình kiến trúc độc đáo kết hợp nhuần nhuyễn với nghệ thuật điêu khắc, và là tác phẩm của nhiều thế hệ người Ấn sùng đạo Phật mà ý tưởng ban đầu thuộc về triều đại Asoka. Đầu tiên, người ta xây tháp bằng gạch, sau đó đến thế kỉ thứ II tháp đã được ốp thêm bằng đá cho to rộng hơn. Tháp có chiều cao 15m, đường kính 35m, bao gồm 3 bộ phận chính: một bán cầu, trên có một vọng lầu và một hàng rào xung quanh.

Trên một nền kiến trúc vuông vức (áo cà sa gấp bốn của đức Phật) là một bán cầu khối đặc khổng lồ bằng gạch và đá, hình một cái bát úp sấp, chỏm hơi dẹt. Trên chỏm có xây một vọng lâu hình vuông, được cho là nơi để xá lị Phật. Trên tận cùng nóc là một cột có gắn 3 phiến đá lớn hình đĩa, tạo thành một chiếc dù nhiều tầng mà người ta cho là biểu tượng của sự tôn nghiêm, nhưng cũng có thể là để che mưa nắng. Chung quanh bán cầu có một hàng rào đá bao bọc, gồm 120 thanh cột chống, mở ra 4 hướng đông, tây, nam, bắc (H. 26 a, b, c).

Hình 26 a: Tháp thế kỉ I trước CN- thế kỉ I sau CN. Sanchi, Madhya Pradesh

Sau đó, công trình kiến trúc kì vĩ thần bí này tiếp tục được người Ấn hoàn thành vào khoảng cuối thế kỉ I, trong một hoàn cảnh xã hội đã thay đổi, nhưng lòng sùng kính Phật vẫn còn nguyên như những khát vọng của Asoka ngày nào.

Hình 26b: Phục chế một trụ cổng (torâna), Sanchi, theo P.Brow

Hình 26c: Cửa đông, hai con chằn cái chân quì, đá, thế kỉ I sau CN, Sanchi.

Lần trùng tu và xây dựng mới này thuộc về Vương triều Andra (hay Satavnhata) - nguyên là một Vương triều miền Nam Ấn, trước đã từng bị đế quốc Magada thôn tính dưới thời Asoka. Năm 28 TCN, Andra chiếm Magada. Vào thế kỉ II, nó đã phát triển thành một đế quốc rộng lớn, lãnh thổ mở rộng đến tận phía bắc lặng Vindya, có nghĩa là bao gồm cả Trung Ấn, nơi có vùng đất Phật Sanchi. Đế quốc Andra tồn tại khoảng 460 năm, vào khoảng thế kỉ thứ III thì tan rã, nhưng giai đoạn này vẫn được coi như là một thời kì bình yên, với sự phát triển đáng kể của kĩ nghệ và thương mại Ấn. Đặc biệt họ đã có những quan hệ buôn bán và hòa trộn văn hóa với người Koma. Những nhà buôn Roma đã đem đến vùng cao nguyên Decan cách sống tinh tế, lịch làm của họ cùng với một khối lượng của cải đáng kể, giúp cho sự phát triển của kinh tế vùng này. Nhiều thành phố mới được xây dựng và trở nên hưng thịnh. Một tầng lớp nhà buôn mới, giàu có xuất hiện, và họ chính là những người bảo trợ nhiệt thành cho những công trình kiến trúc, nghệ thuật dưới triều đại Andra.

Trung Ấn vốn là một vùng đất thấm đượm văn hóa Phật từ hàng thế kỉ trước dưới Vương triều Morya, do đó những công trình nghệ thuật đạt đến đỉnh cao huy hoàng trong giai đoạn Andra chính là những công trình thuộc về kiến trúc Phật giáo. Stupa Sanchi tiếp tục được hoàn thiện vào khoảng thế kỉ I và chủ yếu là ở bốn cổng ra vào, và chính những chiếc cổng này đã làm nên điều huyền diệu cho bảo tháp lớn thiêng liêng này.

Ứng với bốn hướng đông, tây, nam, bắc là bốn cổng làm bằng đá, mỗi cổng bao gồm hai cột đứng thẳng đỡ ba xà ngang hơi cong bắc ngang, biểu tượng của tam thế (quá khứ, hiện tại, tương lại) trong giáo lí nhà Phật. Ở mỗi cột, mỗi dầu cột, mỗi cây chéo, mỗi cây chống đều đầy hình chạm nổi, được đánh giá là ''đạt đến trình độ điêu luyện của nghệ thuật chạm nổi'', “một thảm điêu khắc dày đặc, sống động và tinh tế”. Người nghệ sĩ tài ba đã sáng tạo nghệ thuật theo chủ đề tôn giáo, nhưng lại đưa nghệ thuật vượt lên cả tôn giáo, thể hiện một xúc cảm tràn trề, đắm say đối với cái đẹp và đối với cuộc sống. Những hình chạm nổi hỗn hợp đủ các loại thảo mộc, thú vật, người và thần thánh hết sức tinh vi, uyển chuyển và mềm mại. Đàn voi phủ phục, đàn sư tử cúi đầu, đàn hổ mắt lim dim... rồi chim thần Garuda, rắn thần Nga, những chú khỉ tinh nghịch, những con chim trĩ mềm mại... như cả một khu rừng xanh hiển hiện, thức tỉnh vùng đồi Sanchi yên tĩnh. Hình ảnh thú vật ở đây được coi như là bạn bè, là người anh em với con người trong cùng một kiếp luân hồi.

Được chạm khắc nhiều nhất vẫn là những hình ảnh huyền thoại về nhà Phật; bánh xe pháp luân, những tín đồ sống khổ hạnh, ăn uống đạm bạc, cởi trần tự hành hạ về thể xác để được thanh thản về phần hồn. Rồi những hình ảnh minh họa về cuộc đời Phật. Ở cổng phía đông, trên một cái cột đá có một mặt chạm khắc cảnh Thích Ca Mâu Ni ngồi thiền định dưới gốc cây bồ đề, chân xếp, tay chắp lên ngực, mắt nhìn xuống ẩn chứa bao nỗi niềm trăn trở, từ bi... để trong tâm người đời tìm thấy sự tĩnh lặng, và dòng thời gian vẫn êm đềm trôi hàng ngàn năm nay dưới cái nhìn ẩn đật đó.

Kì lạ thay Ấn Độ! Hiển hiện một thế giới suy tư. Con người sinh ra như để triết lí về ý nghĩa cuộc đời. Đời là khổ ''nước mắt chúng sinh nhiều hơn nước đại dương'', kiếp người lại không ngừng tái sinh, luân hồi, nên chỉ có thể xa lánh cõi trầm luân để thoát khỏi luân hồi. Nhưng bản thân cuộc sống là thực tế, không thể tự mình suy tư để thoát khỏi trần thế, thoát khỏi sự phân biệt đẳng cấp sâu sắc đang ngự trị trong xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ. Đạo Phật dần dần nhường chỗ cho sự trở lại của đạo Bàlamôn dưới một dạng hoàn chỉnh hơn, đó là đạo Hindu, như một sự thừa nhận thực tế. Và dường như Stupa Sanchi là công trình kiến trúc không hẳn Phật giáo mà mang cả âm hưởng của Hindu.

Cũng ở trên cổng phía đông, nơi có gốc cây bồ đề mà Phật Tổ giác đạo, còn có chạm nổi một nữ thần (Yaksi)- Will Durand miêu tả: ''Chân tay nặng nề, mông dày, bụng thon, bộ ngực nhô ra đồ sộ, điệu bộ phóng túng gợi tình''. Hai bên cây chéo của cổng, bên cạnh những chú voi cong vòi sống động, cũng nhìn thấy những pho tượng đắp nổi đẹp tuyệt vời của những tiên nữ khỏa thân. Trong tư thế bay bổng trên không trung, cơ thể uốn cong, dáng đứng uyển chuyển mềm mại, mình thon, ngực và hông nở, những tiên nữ toát lên một vẻ đẹp vừa trần tục, vừa thánh thiện. Một nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật đã thất lên đầy thán phục: ''...Người thợ điêu khắc Ấn Độ đã biết phô diễn một cách tuyệt vời cơ thể con người, ở tượng nữ quần áo đơn giản đến mức người ta chỉ có cảm giác. Và tính nhục cảm thể hiện rõ ở đôi môi, bộ ngực, cánh tay... tất cả đều tràn trề một tình cảm nồng thắm, cháy bỏng tình người''.

Sanchi đã trở thành một phong cách nghệ thuật trong nghệ thuật cổ điển Ấn Độ, thể hiện rõ một quan niệm thẩm mĩ nhiều nữ tính- sự đầy đặn của hình thể, cử chỉ mềm mại theo dáng uốn lượn, sự biểu lộ rõ của các khối nổi... Những đặc điểm đó sau này ảnh hưởng rất rõ nét trong trường phái nghệ thuật Mathura.

Chùa hang Ajanta, kiệt tác của nghệ thuật cơ đại Ấn Độ

Thật hiếm có một dân tộc nào trên thế giới mà lòng nhiệt thành với tôn giáo lại nồng thắm, cháy bỏng như người Ấn. Từ một khối núi đá khổng lồ họ đã bỏ ra biết bao công sức để đục đẽo tạo thành những công trình kiến trúc kì vĩ và tỉ mỉ. Đứng trước những công trình đó con người không có một cảm giác nào khác ngoài sự thán phục trước cái đẹp do chính con người tạo ra. Chùa hang Ajanta là một công trình kiến trúc như vậy! Từ thế kỉ thứ VII, nhà sư Trung Quốc Huyền Trang tới đó đã phải thốt lên: ''Ở đây tất cả mọi thứ đều kì vĩ, đồng thời tất cả mọi cái cũng đều tinh tế''.

Hình 27: Chùa hang Ajanta

Nằm ở miền Trung Ấn (nay thuộc bang Maharastra), phức hợp hang Ajanta bao gồm 30 chùa, trong đó có những công trình được tạo ra từ thời vương triều Andra, như hang số IX và số X. Hầu hết những chùa hang còn lại là sản phẩm của vương triều Phật giáo Gupta (320 - giữa thế kỉ VIII), trong đó giai đoạn từ thế kỉ IV đến thế kỉ VI vẫn được coi là ''thời đại hoàng kim'' của văn học, nghệ thuật Ấn Độ và cũng là giai đoạn đánh dấu sự phát triển tuyệt đỉnh của nghệ thuật Phật giáo.

Những ngôi chùa được đục khoét sâu trong lòng hang đá, có bàn thờ Phật, đại sảnh để làm lễ. Phía ngoài thường có khoảng 20 hàng cột bằng đá đục liền, trang trí công phu trước khi qua dãy hiên vào đại sảnh. Hai bên có hai dãy trai phòng dùng làm nơi cư ngụ của các sư.

Người ta đục đền thờ trong lòng hang và đáy hang, và có lẽ chính vì phải cắt, đục trong lòng núi đá mà có khái niệm ''chùa hang''. Mỗi hang là một công trình kiến trúc, nghệ thuật. Có những hang rất lớn, như hang số XVI, dài rộng mỗi chiều tới 20 mét. Hang I và hang II có những phòng hội họp mênh mông, có những cột lớn đục đường soi, chân vuông, phía trên tròn trang trí hình những tràng hoa lớn. Hang XXVI có những hang cột trụ vĩ dại đỡ một ngạch cửa với những hình chạm trổ tinh tế.

Các hang ở Ajanta chứa đầy những bức họa đẹp nhất của nghệ thuật Phật giáo. Chi chít trên vòm hang và đáy hang lả những bức vẽ màu. Người ta thống kê trong 30 hang có 16 hang vẽ những cảnh rất sinh động về sự tích nhà Phật bằng phẩm màu đỏ, xanh, lam, trên nền đá tự nhiên. Hang số XVIII, rất nổi tiếng với bức bích họa miêu tả một người phụ nữ và một đứa trẻ, khuôn mặt khao khát hướng đến sự giải thoát, được giải thích là vợ và con của đức Phật. Còn hang XIX không thể không kể đến hình tượng Phật đứng (Budhapad) chạm khắc nổi trên nền đá xám, áo cà sa bó thân, trơn tru, bám sát vào cơ thể, hở vai phải. Khuôn mặt lí tưởng hóa, hơi mỉm cười, đôi mắt nhìn xuống, với những dấu hiệu quý tướng biểu trưng của thần thánh (tóc xoăn, tai dài...). Tay phải được tạc liền thần, lòng bàn tay mở hướng ra phía trước theo thế Abhayamudra. Bức phù điêu này vẫn được coi là một nguyên mẫu của tượng Phật đứng, mà sau đó một ít có thể bắt gặp khá phổ biến trong nền nghệ thuật Phật giáo ở một số nước trên thế giới.

Hình 28: Chùa hang Ajanta - hang số XIX (phục hồi thiết diện, theo P. Brow).

Ngoài ra còn phải kể đến rất nhiều phù điêu mô tả cuộc sống nhiều mặt của người dân Ấn đương thời. Nét vẽ, nét chạm khắc sắc sảo, màu rất tươi, rất hiện thực. Đặc biệt, ở những tác phẩm đó, trang phục và trang sức của các nhân vật được miêu tả khá chi tiết ở các nhân vật nữ chẳng hạn, từ đầu tóc, quần áo, đồ trang sức đến tư thế... tất cả đều quá hoàn hảo. Chính vì thế, Ajanta mãi mãi là một kho tàng vô giá chẳng những đối với nghệ thuật mà còn đối với các ngành khoa học nghiên cứu lịch sử, dân tộc học...

Nhiều người còn nói đến nghệ thuật bố trí ánh sáng khéo léo trong hang, làm cho những hình ảnh được mô tả trở nên sống động. Tùy theo góc độ xem tranh mà cảm thấy nhân vật hiện lên với vẻ trầm tư nghiêm nghị hoặc hiện lên với một nụ cười dịu dàng như chưa bao giờ thấy.

Một nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật Ấn Độ đã nhận xét về Ajanta: ''Tình cảm ở đây được biểu hiện rõ rệt dưới các hình thức khác nhau: trong sắc lá mùa xuân, trong dáng ngọn cây nghiêng mình trước cơn giông tố, trong cách đứng ngồi, cách cau mày, trong dáng điệu uể oải của làn mi cụp xuống, trong cái run rẩy của đôi môi, trong cách lau một giọt lệ hoặc hạ tấm mạng choàng...''.

Di tích lịch sử, nghệ thuật quý giá này đã bị chìm trong quên lãng hàng chục thế kỉ, mãi đến năm 1819 mới được phát hiện ra. Từ đó và mãi mãi, nó vẫn được xếp vào hàng những kiệt tác nghệ thuật của nhân loại, báu vật trong kho tàng văn hóa của loài người.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét